Quy trình tuyển dụng
I. Bạn cần gì để trở thành một ứng viên sáng giá?
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng
Trước khi nộp hồ sơ xin việc vào một công ty, bạn nên “nghiên cứu” kỹ các vị trí tuyển dụng tại đó và hiểu rõ năng lực, sở thích của bản thân để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
2. Thể hiện rõ ràng rằng mục tiêu của bạn là sự công bằng và cơ hội thăng tiến
Hãy biết cách thể hiện và khẳng định việc bạn tham gia phỏng vấn là muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt, sự công bằng và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
3. Cho thấy việc tuyển dụng bạn không phải là mất đi một khoản chi phí mà là một khoản đầu tư
Bạn nên đưa ra khả năng, kinh nghiệm cùng những ý tưởng có thể giúp công ty tìm ra giải pháp tăng doanh số bán hàng, giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh hiệu suất công việc.
4. Luôn bình tĩnh và giữ vững lập trường, quan điểm của bạn trong suốt buổi phỏng vấn
Trước khi vào phỏng vấn, bạn phải biết chính xác lý do và cái giá phải trả để có được cơ hội làm việc tại đây.Trong quá trình phỏng vấn, hãy tỏ ra luôn bình tĩnh và giữ vững lập trường khi trả lời các câu hỏi cũng như khẳng định các giá trị của bản thân.
5. Nhớ rằng đây là cơ hội hai bên cùng có lợi đối với cả bạn và nhà tuyển dụng
Bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn muốn có công việc này và tự tin khẳng định việc nhà tuyển dụng đồng ý nhận bạn sẽ là một quyết định sáng suốt. Bạn hoàn toàn có thể giúp ích cho họ rất nhiều.
II. Một số câu hỏi mà bạn hay gặp phải trong các cuộc phỏng vấn
1. Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình
Hãy nắm ngay cơ hội này để giới thiệu về những khả năng, thói quen tốt trong nghề nghiệp của bạn liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.
2.Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? (Tại sao bạn muốn bỏ công việc hiện tại?)
Câu trả lời lý tưởng trong trường hợp này là: "Tôi muốn tìm kiếm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình".
3. Điểm mạnh của bạn là gì?
Hãy chỉ ra những điểm tích cực của bạn có liên quan đến công việc bạn muốn xin vào. Đó có thể là những điểm tốt thuộc về chuyên môn hoặc tính cách.
4. Điểm yếu của bạn là gì?
Mỗi người đều có điểm yếu. Vì thế, đừng dành quá nhiều thời gian để nói về điểm yếu của mình, nhất là những điểm yếu có liên quan đến công việc
5. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Để trả lời câu hỏi này, không còn cách nào khác là bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty trước khi đi phỏng vấn.
6. Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào vị trí tuyển dụng?
Nêu rõ những đặc điểm tích cực của bạn phù hợp với vị trí này (chuyên môn, tính cách, thái độ...) và những kinh nghiệm quý báu mà bạn từng có thông qua công việc cũ. Đừng quên dẫn thêm lời khen ngợi của sếp cũ dành cho bạn (nếu có).
7. Thử hình dung 5 (10) năm nữa, bạn đang ở đâu?
Hãy giải thích cho nhà tuyển dụng thấy rằng vị trí mà bạn đang dự tuyển nằm trong kế hoạch thăng tiến nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Sau cùng, cuộc phỏng vấn tuyển dụng luôn là cơ hội để bạn tỏa sáng. Hãy thể hiện sự tự tin, nhiệt tình và đặc biệt không quên dành một thời gian nhất định để đánh bóng bản thân.
Chúc bạn thành công
Chuẩn bị hồ sơ là bước quan trọng đầu tiên của quá trình tìm việc. Một hồ sơ tốt cho bạn cơ hội được mời phỏng vấn rất nhanh. Ngược lại, một hồ sơ quá bình thường sẽ có nguy cơ nằm gọn trong sọt rác của nhà tuyển dụng. Nhiều ứng viên cho rằng cứ trình bày càng đầy đủ và chi tiết sẽ thu hút được nhà tuyển dụng. Song thực tế không hẳn như vậy, bạn cần biết chọn lọc thông tin nào là quan trọng nhất để nêu trong CV của mình. Vậy bạn nên viết CV như thế nào để có thể thu hút nhà tuyển dụng?
Mở đầu bằng kinh nghiệm của bạn: Nhà tuyển dụng luôn muốn biết bạn đã đóng góp được gì cho những công ty trước để đánh giá năng lực của bạn khi làm việc với công ty họ.
Nêu bật các thành tích của bạn: Bạn nên trình bày thật rõ những thành tích nổi bật đã đạt được trong quá khứ. Đừng quên nêu rõ con số cụ thể chứng minh năng lực của bạn. Ví dụ như năm ngoái, bạn đã góp phần làm tăng doanh số của công ty lên 79%...
Nêu rõ học bổng và giải thưởng bạn đã đạt được: Bạn nên nêu ngắn gọn những thành tích học tập của bạn ngay dưới phần học vấn. Bạn chỉ nên đề cập những thành tích có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Nhấn mạnh các kỹ năng của bạn: Bạn nên nhớ rằng chính các kỹ năng sẽ làm bạn có ưu thế hơn so với các ứng viên khác. Nhiều nhà tuyển dụng quyết định chọn ứng viên có những kỹ năng nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên có cùng trình độ và kinh nghiệm.
Trình bày hồ sơ trên hai trang giấy: Thông thường một hồ sơ không nên dài hơn hai trang giấy, trừ phi bạn có nhiều ưu thế và kinh nghiệm thật sự nổi bật.
Ngoài ra, bạn nên vận dụng sự linh hoạt, sáng tạo của mình khi làm CV. Với hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn CV giống nhau thì rõ ràng điểm khác biệt này sẽ đem lại cho bạn một lợi thế nhất định và chứng tỏ được sự nghiệm túc của bạn trong công việc.